Mercantile Exchange
Of VietNam

Course

What is a commodity futures contract.

1. Khái niệm, đặc điểm hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch:

Phù hợp với tính chất đối tượng của hợp đồng mua bán qua Sở Giao dịch là hàng hóa tương lai, Luật Thương mại quy định hai loại hợp đồng mua bán qua Sở Giao dịch Hàng hóa là hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn. 

Khoản 2 Điều 64 Luật Thương mại 2005 quy định: "Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng." 

Khoản 3 Điều 64 Luật Thương mại 2005 quy định: "Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó." 

Như vậy, qua 2 khái niệm trên, hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch là một hợp đồng song vụ, theo đó các bên cam kết thực hiện các nghĩa vụ trong tương lai.

Thứ hai, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai là những hàng hóa chưa hiện hữu tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng mua bán (hàng hóa tương lai). Hàng hóa tương lai mua bán qua Sở Giao dịch, trên thực tế thường là những loại hàng hóa có lượng cung cầu lớn và thường xuyên biến động. 

Thứ ba, hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai được giao kết và thực hiện qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Việc mua bán qua Sở Giao dịch Hàng hóa giúp các nhà đầu tư có điều kiện dễ dàng và thuận lợi để lựa chọn đối tác của mình. 

 2. Nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch:

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch được thực hiện một cách chuyên nghiệp, với những đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các điều khoản quan trọng được tiêu chuẩn hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch bao gồm: tên hàng, chất lượng, giá trị hợp đồng, thời gian giao hàng, địa điểm giao hàng.

  • Tên hàng (đối tượng hợp đồng): Hàng hóa được mua bán phải thuộc danh mục hàng hóa được phép mua bán qua Sở Giao dịch.

  • Chất lượng hàng hóa: chất lượng hàng hóa mua bán qua Sở Giao dịch thường được phân thành nhiều mực độ chất lượng (phẩm cấp) khác nhau với những tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Các hàng hóa mua bán phải đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng theo quy định với từng sở giao dịch hàng hóa cụ thể.
  • Giá trị hàng hóa được mua bán (trị giá hợp đồng): trong một hợp đồng mua bán hàng hóa qua một Sở Giao dịch thường được quy định thống nhất đối với từng loại hàng hóa. Việc quy định giá trị hợp đồng mua bán mỗi loại hàng hóa tương lai một cách phù hợp (không quá lớn những cũng không quá nhỏ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào thực hiện giao dịch mua bán của các nhà đầu tư trong thị trường.
  • Thời điểm giao hàng hóa: trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch thường được xác định là tháng giao hàng trong năm. Trong tháng giao hàng đó, ngày giao hàng được quy định cụ thể tùy thuộc vào loại hàng hóa và thị trường. Thời điểm giao hàng là một điều kiện quan trọng để xác định đối tượng được giao dịch trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch. 
    • Ví dụ: hồ tiêu là đối tượng của hợp đồng kỳ hạn mua tháng 5 năm 2005 khác với hồ tiêu kỳ hạn mua bán hồ tiêu tháng 7 năm 2005.
  • Địa điểm giao hàng: trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch thường quy định bởi Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. 

 3. Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch:

Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch có sự khác nhau nhất định giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn, phù hợp với tính chất của từng loại hợp đồng này. 

Điều 65 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn:

  • Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.
  • Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở Giao dịch Hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
  • Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở Giao dịch Hàng hóa công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.

Điều 66 Luật thương mại 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn:

  • Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thoả thuận.
  • Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở Giao dịch Hàng hóa công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
  • Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở Giao dịch Hàng hóa công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
  • Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.

 4. Văn bản pháp luật áp dụng:

Luật Thương mại 2005.